Tôn giáo Köln

Bài chi tiết: Tôn giáo ở Köln

Kitô giáo

Trong lịch sử, Köln cũng như vùng sông Rhein chịu nhiều ảnh hưởng của Công giáo, khoảng 14% dân cư theo đạo Công giáo, 20% theo đạo Tin Lành, 10% (đa số là người di dân vào) theo đạo Hồi, 30% còn lại theo các đạo khác hay không có tôn giáo.

Chậm nhất là từ năm 313 Köln là nơi ngự trị của tổng Giám mục. Nhà thờ của tổng Giám mục trong thời gian này không được rõ. Từ thời Gothic Nhà thờ chính tòa Köln đã là biểu tượng của thành phố.

Sau việc chuyển những cái được cho là hài cốt của ba vua thánh về thành phố vào ngày 23 tháng 7 năm 1164, Köln đã nhanh chóng trở thành một trong những nơi hành hương quan trọng nhất trong Thánh Chế La Mã. Chuyến đi du lịch đầu tiên của hoàng đế và hoàng hậu vừa được lên ngôi bao giờ cũng dẫn từ Aachen đến thánh cốt của ba vị vua này. Đoàn người hành hương đã mang nhiều tiền đến thành phố, dẫn đến việc định cư ngày càng nhiều và dân số thành phố đã tăng nhảy vọt. (Trong thời Trung cổ, Köln là thành phố lớn nhất châu Âu). Tổng Giám mục Philipp I von Heinsberg đã đặt làm một hòm chứa thánh cốt mạ vàng và người kế thừa ông đã cho xây một nhà thờ chính tòa mới vào năm 1248. Tranh cãi với hội đồng thành phố và việc trục xuất tổng Giám mục sau đó đã làm cho việc xây dựng ngày càng chậm đi và cuối cùng là ngừng hẳn. Không ngại ngùng trong việc buôn bán, Köln đã phát triển thành trung tâm buôn bán di vật vì người thời Trung cổ tin rằng sở hữu một vật thánh hay xương cốt của một vị thánh sẽ mau chóng được giải thoát. Điều này đã mang lại cho thành phố cái tên "Köln thần thánh".

Tầm quan trọng của tôn giáo cũng được nhận thấy trên biểu trưng của thành phố, miêu tả 3 vương miện của ba vị vua thánh và 11 giọt nước mắt của thánh Ursula và các vị đồng hành đã chết vì đạo tại Köln. Cũng cần phải nhắc đến một trong nhiều đỉnh cao của "Köln thần thánh" trong lịch sử Kitô giáo hằng nghìn năm là Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 20 từ 15 tháng 8 đến 21 tháng 8 năm 2005. Tròn 26.000 người tình nguyện từ 160 quốc gia đã chào mừng khách đến từ 196 quốc gia tại các thành phố Köln, Bonn và Düsseldorf. Giáo hoàng Benedict XVI cũng đến thăm Köln trong dịp này và một lần nữa đã công nhận danh hiệu "Köln thần thánh".

Đạo Do Thái

Cộng đồng người Do Thái tại Köln là cộng đồng lâu đời nhất ở phía bắc dãy núi Alpen, đã tồn tại từ năm 321 dưới thời hoàng đế Constantine I.

Năm 1183 tổng Giám mục chỉ định cho người Do Thái một vùng đất riêng để có thể sống một cách tương đối yên ổn. Khu vực trong phố cổ này có cổng riêng có thể đóng lại và chỉ dành riêng cho người Do Thái. Thế nhưng người Do Thái lại bị đuổi ra khỏi thành phố dần dần và trong thời gian từ 1424 cho đến cuối thế kỷ XVIII không một người Do Thái nào được phép ở trong thành phố mà không có sự đồng ý của hội đồng thành phố. Sau khi quân đội cách mạng Pháp vào, dân cư người Do Thái – cũng như người theo đạo Tin Lành – được đặt ngang hàng với người dân theo đạo Công giáo. Trong thời gian của Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia, người Do Thái đã được phép định cư dưới thời thống trị của Phổ lại bị đuổi đi với việc thúc ép di dân ra nước ngoài. Nhiều nhà thờ Do Thái đã bị đốt cháy trong đợt bài trừ người Do Thái tháng 11 năm 1938. Những người Do Thái còn lại sau 1941 bị bắt giam trong Fort IX (một pháo đài của quân đội Phổ ở ngoại vi thành phố) và trong khu đất hội chợ Köln, sau đó họ bị chở đi đến các trại tập trung. 8.000 người Do Thái ở Köln đã bị những người Quốc xã giết chết.

Cộng đồng người Do Thái tại Köln ngày nay có trên 4.857 thành viên. Họ có một nghĩa trang riêng, một trường học, nhà trẻ, thư viện, câu lạc bộ thể thao, một quán ăn, trung tâm thanh thiếu niên và một nhà dưỡng lão.

Đạo Hồi

Vì người di dân từ Thổ Nhĩ Kỳ và con cháu của họ có một tỷ lệ cao và cũng vì vị trí trung tâm trong nước Cộng hòa Liên bang Đức cũ, các tổ chức Hồi giáo-Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng nhất đều đặt trụ sở tại Köln và vùng lân cận.

Địa điểm hành hương

Thành phố Köln là một địa điểm hành hương không phải chỉ vì Ba Vua Thánh mà còn vì Thánh Albertus Magnus tại St.Andreas. Thêm vào đó là Adolph Kolping của Nhà thờ Minoriten, Johannes Duns Scotus, một nhà triết học quan trọng cũng của Nhà thờ Minoriten, Edith Stein (Theresia Benedicta a Cruce) một nữ triết gia và nữ tu sĩ trong thời Đức Quốc xã.